Bienvenue, Visiteur! Inscription RSS
Thứ sáu, 2024-04-19
Accueil » 2012 » Tháng sáu » 15 » Cô Tô – miền biển xanh, cát trắng, nắng vàng…
1:40 PM
Cô Tô – miền biển xanh, cát trắng, nắng vàng…

Qua khỏi sông Man, thuyền đưa chúng tôi ra Cô Tô lướt êm giữa lung linh bóng núi nhấp nhô trên mặt vịnh. Vượt qua những con sóng lừng nơi Cửa Đối, hai bên mạn thuyền chỉ còn có sóng đùa, những con sóng đuổi nhau miên man vô tận, mặt biển lấp lánh từng hạt nắng rơi. Nhìn xa xa, thấy Cô Tô hiện ra với những dãy núi nhấp nhô ẩn hiện, trông như dáng chàng trai xoãi chân, co tay làm gối, ngửa mặt ngắm trời xanh.

Chỉ tay về phía con đê chắn sóng lừng lững giữa biển do Công ty Thành An 96 thi công vừa hoàn thành, ông Mai Tuấn Phượng – Phó Chủ tịch huyện đảo Cô Tô bảo: "Đê chắn sóng đã hoàn thành giai đoạn 1, chúng tôi tiếp tục triển khai thi công xây dựng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khi hoàn thành đây sẽ là nơi ra vào của hàng nghìn tàu thuyền khai thác, chế biến hải sản  ở Vịnh Bắc Bộ”.  

Khu du lịch hậu cần nghề cá đang được xây dựng

Thị trấn Cô Tô sầm uất chẳng kém gì một phố huyện trong đất liền. Cũng những con đường bê tông trải dài sạch sẽ, những dãy phố dọc ngang với nhà cửa khang trang, nhiều khách sạn mới xây dựng cho thấy dáng hình một miền quê mới. Khác chăng là những công trình ấy được xây dựng ở nơi quanh năm dạt dào sóng vỗ trắng bờ.   

Năm 1994, huyện đảo Cô Tô trực thuộc tỉnh Quảng Ninh được thành lập với dân số hơn 2.000 người, sau 17 năm đã tăng lên 5.600 người. Ngoài thị trấn Cô Tô, huyện còn có hai xã Thanh Lân và Đồng Tiến với tổng chiều dài biên giới biển giáp Trung Quốc hơn 200km, nối với vùng biển Bạch Long Vĩ của Hải Phòng, làm nên hải phận Vịnh Bắc Bộ.

Người dân địa phương gọi tên những hòn đảo ở đây rất dung dị như Đảo Trần, Cồn Con Ngựa, Cồn Gạc Hươu, Cồn Tai Khỉ; này là Hòn Bắc Đẩu, Hòn Bầu Rượu, Hòn Chòi Canh; kia là Đá Thiên Môn, Đá Ngầm Sâu, Đá Sư Tử... Cứ như một đàn linh thú vừa giỡn nước, rồi say sóng, gác mõm, tựa lưng nhau nằm ngủ giữa biển xanh, sắp lớp cong cong hình cánh cung, tạo nên một bức tường thành vững chãi trấn giữ mặt đông bắc của Tổ quốc.

Đê chắn sóng ngày khánh thành

50 năm trước, ngày 9/5/1961, giữa bộn bề của công cuộc tái thiết đất nước và kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm Cô Tô. Đến với dân, Bác thân tình trò chuyện, dặn dò mọi người lo trồng khoai, làm muối. Đến với Bác, dân xin dựng tượng Người để Cô Tô luôn gần với Bác và đất liền.

Trong khoảnh khắc hiếm hoi giữa biển khơi ấy, hình như không có khoảng cách giữa một nguyên thủ quốc gia với người trồng khoai, đánh cá mà chỉ có tình yêu thương bao la làm ấm lòng những đứa con. Cả đời bôn ba tìm đường cứu nước, gian khổ hy sinh cùng dân tộc đem máu xương đổi lấy tự do, mơ ước cuối cùng của Bác là để muôn dân được tự do trồng khoai, làm muối trên mảnh đất cha ông mình để lại. Chuyến ra đảo của Bác được kể lại như câu chuyện người thân lâu ngày gặp mặt, chân tình, mộc mạc mà vĩ đại cao siêu.    

Cô Tô tự hào là nơi được dựng tượng Bác đầu tiên. Càng tự hào hơn khi đây là tượng đài duy nhất được Bác cho phép xây dựng khi Người còn sống. Nửa thế kỷ qua, Bác vẫn đứng đó, sừng sững và uy nghi trước biển Đông, mắt hướng về phía Tây và giơ cao tay vẫy chào, như muốn nói với cháu con hãy vươn ra biển.

Với ngư trường trên 300km2, bước chân là ra khơi, dân Cô Tô sống chủ yếu bằng nghề khai thác hải sản. Biển Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với gần 1.000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn như: cá hồng, cá song, cá mú, cá thu, cá chim, cá trích hay các loài nhuyễn thể: bào ngư, nghêu, sò, ốc, ngọc trai…

Ông Vũ Hồng Nhung, dân Thái Bình ra Cô Tô lập nghiệp hơn 20 năm nay không giấu diếm: "Mỗi năm tôi chỉ câu mực 3 tháng, trừ chi phí kiếm vài trăm triệu, 9 tháng còn lại ở nhà giúp vợ”. Nghe ông nói, nhìn đồ đạc trong nhà, tuy không giàu lắm, nhưng thiếu đói chắc chỉ là câu chuyện đã qua đối với người dân Cô Tô.

Năm rồi trúng mùa, sản lượng thủy sản của huyện hơn 20.000 tấn, tăng hơn 30% so với năm trước, riêng sứa là 15.000 tấn. Mùa sứa, biển Cô Tô sáng rực hằng đêm, làng sứa trên biển tấp nập thuyền ra thuyền vào mua bán. Nghề vớt sứa mang lại thu nhập vài ba chục triệu đồng cho mỗi hộ, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng. Mỗi tấn sứa qua sơ chế có giá trên chục triệu đồng. Con sứa đã mang về hàng chục tỷ đồng cho dân trong huyện, nhất là những chủ cơ sở chế biến. Cơ sở nhỏ cũng kiếm được vài trăm triệu, lớn thì 2 - 3 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Thành chỉ tay ra phố: "Đấy, anh xem, biệt thự, khách sạn mới xây ba, bốn tầng, tàu lớn mới đóng đều là từ tiền sứa cả đấy. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện cũng chỉ còn hơn 4%. Được Nhà nước quan tâm, đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600 CV đã hoàn thành, các hạng mục thuộc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ đang tiếp tục thi công sẽ là cú hích cho nghề cá Cô Tô phát triển nay mai”.

Tàu du lịch cập đê chắn sóng

Có ra Cô Tô mới hiểu được vì sao mấy mươi năm trước, nhà văn Nguyễn Tuân lại bị những con sóng nơi đây mê hoặc. Để rồi, biển Cô Tô trong văn ông "Xanh như lá chuối non, xanh như lá chuối già, như mùa thu ngả cốm làng Vòng, xanh như màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh, xanh như cái vạt áo đẫm nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn tì bà trên con sóng Giang Châu…”.

Từng là học trò, đọc văn Nguyễn Tuân, ai không mơ một lần được ra xem nước bể Cô Tô để được ngụp lặn trong làn nước trong xanh đến diệu kỳ của biển cùng những bãi cát trắng tinh, mịn màng, thoai thoải nhìn đến ngút tầm mắt. Du khách đến Cô Tô không thể quên cảm giác bềnh bồng khoan khoái ở bãi biển Hồng Vàn, ngắm rạn san hô với nhiều loài quý hiếm như san hô đỏ, san hô sừng cùng nhiều loài cá cảnh nhiều màu sắc long lanh đáy nước.

Giữa mênh mông gió lộng trên trạm hải đăng, nhìn ra xa, trải rộng về phía tây là bãi biển Vàn Chảy, phía đông là đảo Cô Tô Con với rừng nguyên sinh xanh ngắt, những rừng đá với nhiều hình thù kỳ vĩ vươn ra tận chân sóng, soi mình bên rạn san hô tuyệt đẹp. Một vùng biển hình vòng cung ôm trọn bãi cát trắng tinh hút hồn lữ khách. Xa hơn là Đảo Cá Chép, Đảo Thanh Lân, Đảo Trần che sóng dữ cho Vịnh Cô Tô yên ả, thanh bình.

Cô Tô ngày càng hấp dẫn khi năm qua, nơi đây đã đón hơn 10.000 du khách tham quan, lặn biển ngắm san hô. Biển xanh cát trắng đang mời gọi các nhà đầu tư với ước vọng biến Cô Tô thành một vùng du lịch khám phá thiên nhiên nối dài bước chân du khách khi đến với Hạ Long, Quan Lạn,Vân Đồn. Cô Tô đang xích lại gần với đất liền nhờ có tàu cao tốc. Từ bến cảng Cái Rồng, chỉ một tiếng rưỡi du khách đã được đắm mình trong biển xanh cát trắng Cô Cô.

Đâu chỉ trồng khoai làm muối, người dân Cô Tô bây giờ mà đã biết đóng thuyền lớn ra khơi, biết bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, xây khách sạn cao tầng, học chế biến các món ăn từ biển để đón khách du lịch. Cùng với Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ, điện quốc gia từ đảo Minh Châu sẽ vượt biển ra Cô Tô, để nơi đây thành một huyện đảo mạnh giàu.

Ngày ấy chắc sẽ  không xa. Cô Tô sẽ rực sáng như một ngọn hải đăng khổng lồ, một cột mốc biên cương vững vàng phía đông bắc Tổ quốc.

Visualisations: 703 | Ajouté par: briquet | Note: 0.0/0
//hoctiengphap.ucoz.com